Giáo sư Alan Knight |
TTCT - Có gì sai khi nhiều người trong chúng ta ước ao có được cuộc sống như ở London hay New York? Nhưng theo giáo sư Alan Knight - chuyên gia về phát triển bền vững, người VN nên suy nghĩ lại trước khi bắt chước “những thành phố phương Tây đã mắc sai lầm” này.
Ông đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện trong chuyến làm việc tại VN tuần qua.
>> Không lấy đất nông nghiệp làm sân golf
>> Tiếp tục cắt giảm các dự án sân golf
>> Hà Nội kiến nghị dừng 10 sân golf
Giáo sư Alan Knight: Để có mức sống như ở châu Âu và Mỹ, chúng ta cần lượng tài nguyên thiên nhiên lớn gấp ba lần những gì Trái đất hiện có. Lúc đầu nghe điều này tôi đã sốc, vì nó cho thấy chúng ta buộc phải thay đổi cách vận hành Trái đất để những nước như VN có thể thực hiện thành công các tham vọng kinh tế của mình. Nhưng đi vào trọng tâm vấn đề, tôi cho rằng chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về cách sống mà ta mong muốn với một mệnh đề có thật rằng ta không có đủ tài nguyên thiên nhiên.
Tôi lấy một ví dụ về cách sống phương Tây: để làm một chiếc bánh kẹp thịt bò, tính từ khâu trồng cỏ, nuôi bò... mất 11.000 lít nước. Chỗ đó đủ làm đầy một bể bơi. Nhưng vấn đề là các bạn sẽ không có đủ rừng tự nhiên, đủ đồng lúa... để thỏa mãn mọi nhu cầu.
Lập luận của tôi là phát triển bền vững phức tạp hơn nhiều. Nó không đơn giản là công nghệ gây ít ô nhiễm hơn, mà quan trọng hơn chúng ta muốn có phong cách sống nào, sau đó cần cùng nhau hành động ở cấp độ toàn cầu để sử dụng những nguồn lực có hạn sao cho con người có được cách sống ấy.
Một ví dụ khác: cách đây 10 năm tôi đã tới TP.HCM, khi ấy có rất nhiều xe đạp trên phố. Giờ chỉ toàn xe máy. Người nào may mắn thì có ôtô. Vấn đề là càng nhiều ôtô lưu thông thì những người đi xe máy càng muốn có ôtô, vì việc lái xe máy trong dòng ôtô đông đúc trở nên nguy hiểm hơn. Rốt cuộc mọi người đều phát điên vì nhiều ôtô quá nên ai cũng phải lái xe với tốc độ của xe đạp!
Logic ở đây là càng có nhiều người đi ôtô thì thành phố càng cần đáp ứng nhu cầu lưu thông của ôtô, dẫn tới ô nhiễm gia tăng, chi phí gia tăng và hậu quả là chất lượng cuộc sống giảm.
Tôi ước các bạn thấy London vào 9g mỗi sáng
Tôi buồn vì thấy có người béo phì Ở VN tôi thấy một số người béo phì vì họ không đạp xe nữa. Điều đó khiến tôi rất buồn vì lúc này nhiều thành phố như Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch) hay một vài nơi ở Anh đang cố thiết kế lại thành phố cho xe đạp. Vì nhiều xe đạp hơn sẽ ít ô nhiễm hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và mọi người khỏe mạnh hơn. Vì vậy tôi đang nghĩ không biết VN có nghĩ ngợi gì về những thành phố phương Tây đã mắc sai lầm hay không. Thành công kinh tế không phải là điều quan trọng nhất, mà vấn đề là chúng ta làm gì với thành công ấy. TP.HCM và Hà Nội sẽ trở nên kinh khủng nếu ai cũng có ôtô. |
- Tôi nghĩ phát triển bền vững có hàm ý rộng hơn như thế, bao gồm cả chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân khỏe mạnh, dẻo dai... Các bạn sẽ tranh luận rằng ai chả muốn có ôtô vì điều đó khiến chúng tôi thấy dễ chịu hơn và sang trọng hơn!
Tôi ước có thể chỉ cho các bạn thấy London như thế nào vào 9g sáng mỗi ngày: ôtô di chuyển chậm hơn xe máy, gây nhiều ô nhiễm hơn. Chúng tôi đã phá hủy nhiều căn nhà có dấu ấn lịch sử để mở rộng đường sá. Liệu các bạn có thật sự muốn điều đó không? Các bạn có thật sự muốn công dân của mình ì ạch di chuyển mỗi khi đi làm không?
Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn ở Mỹ và Anh là bệnh béo phì và trầm cảm. Theo tôi, phát triển bền vững là làm sao chúng ta có cách sống lành mạnh.
* Ý giáo sư là những thành phố như London không phải là hình mẫu phát triển của VN?
- Thế giới đang tận dụng rừng tự nhiên của VN. Chúng là một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu, chuyển hóa CO2 thành O2 cho cả thế giới. Đó là cỗ máy lọc không khí tuyệt vời. Cả thế giới đang xài dịch vụ này miễn phí. Đó không phải lỗi của chúng tôi vì thật ra chúng tôi không biết phải trả tiền ra sao và các bạn cũng không biết phải tính giá thế nào. Vì thế các bạn nghĩ cách làm thế nào để có tiền từ nguồn tài nguyên này, do đó xây thêm nhiều sân golf, sản xuất dầu cọ.
Điều đáng buồn là trong khi đang diễn ra những cuộc thương lượng phức tạp (kiểu nước Anh sẽ trả tiền cho VN như thế nào khi sử dụng dịch vụ lọc không khí tự nhiên ấy) thì người ta tiếp tục xây thêm sân golf và các cánh rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, ngày càng có nhiều người sắm xe hơi và biến Hà Nội thành một nơi khó ở.
Cứ cho là các bạn đang xoay xở để vượt qua Anh và Mỹ, nhưng hãy lắng nghe những tiếng nói từ chính các hình mẫu đó: “Có điều không ổn ở đây. Các bạn cứ từ từ đã. Chúng tôi bị béo phì, trầm cảm, thiếu tài nguyên thiên nhiên... Tại sao các bạn muốn giống như chúng tôi?”.
* Nhưng có muộn không khi VN đã, đang và phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, khai thác tài nguyên quá mức...?
- Một điều luôn động viên tôi là khi bạn dừng làm điều sai trái, thiên nhiên sẽ tha thứ cho bạn! Hẳn các bạn còn nhớ lỗ hổng ozon chúng ta nói tới cách đây vài năm. Giờ nó bắt đầu thu lại vì nhiều nước không sử dụng những hóa chất độc hại nữa. Tôi vừa từ Hong Kong sang, ở đó họ bảo với tôi là lần đầu tiên họ thấy bầu trời trong xanh sau hai năm gần đây. Đó là vì (may hay không may) cuộc suy thoái kinh tế, các nhà máy ở vùng giáp ranh Hong Kong - Trung Quốc hoạt động ít hơn và gây ít khí thải hơn.
Trong phát triển bền vững, không có gì là hoàn toàn trắng hay đen. Các bạn không hoàn toàn đúng và chúng tôi không hoàn toàn sai. Nhưng có những rạn nứt trong cách sống ở New York, London mà các bạn nên hiểu rõ trước khi lặp lại sai lầm tương tự. Đừng khao khát cách sống của phương Tây nếu chưa hiểu rõ những khiếm khuyết của nó. Các bạn vẫn còn cơ hội khi còn có rừng tự nhiên, san hô và những thành phố chưa bị phụ thuộc vào ôtô.
Sân golf Đà Lạt đã chiếm trọn đồi Cù - một thắng cảnh đẹp được du khách yêu thích, nhưng hầu như không hoạt động từ nhiều năm nay - Ảnh: TSTTourist |
Thẳng thắn đối thoại
* Vậy theo giáo sư, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ VN nên bắt đầu từ đâu để đạt được cách sống bền vững?
- Tất cả các bên cần cùng nhau ngồi xuống và thảo luận thẳng thắn, trung thực về cách sống mình muốn. Tôi đảm bảo phần lớn sẽ nói: tôi muốn hạnh phúc, khỏe mạnh. Ở phương Tây, những người sống ở thành phố ngày càng mong gần với thiên nhiên hơn. Chúng ta đưa dân vào thành phố vì muốn tạo ra nhiều của cải hơn cho đất nước. Có nhiều người không nhiều tiền nhưng sống thoải mái và vui vẻ ở miền quê, nhưng họ bắt đầu bị áp lực vì người khác muốn giành khoáng sản ở lòng đất dưới nhà họ hay tạo cảm giác họ thất bại vì không có nhà ba phòng ngủ và ôtô.
* Nhưng với một nước còn nghèo như VN, mưu sinh là nhu cầu hàng đầu với đại bộ phận dân số. Dân nông thôn đổ ra thành thị kiếm sống và không phải ai cũng có thể lựa chọn để sống với thiên nhiên?
- Tôi không có công thức thần kỳ. Nhưng các bạn phải thảo luận với nhau để tìm ra cảm hứng thật sự cho sự phát triển của VN. Tôi sống ở một xã hội coi trọng các think-tank (tức trung tâm nghiên cứu gồm các chuyên gia cao cấp có thể tư vấn, phản biện cho chính phủ). Chính phủ thường mời những nhóm này để hỏi họ nghĩ gì về một vấn đề cụ thể.
Tôi nghĩ nếu bạn lắng nghe, sẽ có người nói với VN là: à, các bạn có vài điểm rất tốt và vài điểm rất tồi. Từ đó bạn sẽ tự biết: vậy tôi muốn ít thứ tồi hơn và nhiều thứ tốt hơn. Khi có được những đối thoại như thế, bạn sẽ có sự khởi động tốt.
Người ta cũng nói nhiều về GDP, nhưng điều gì thật sự cần thiết để có các công dân khỏe mạnh, hạnh phúc? Cần làm gì để người ta nói: “Tôi không muốn ở New York, London hay Bắc Kinh vì VN là nơi tốt nhất để sống”. Hãy hình dung một cuộc hội thoại như thế này:
- Ai muốn sống ở một Hà Nội trong lành, dễ chịu?
- Tôi. Tôi. Tôi - mọi người đều trả lời.
- Ai muốn sống cạnh công trường khai thác mỏ?
- (im lặng)
Nhìn chung, đa số sẽ thích sống ở London hơn Mumbai, nhưng London không phải là thiên đường. Cố gắng đạt cái gì đó tốt hơn vì điều đó là có thể.
* Xin cảm ơn ông.
Đừng chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên sang công nghệ và kinh tế Giáo sư Alan Knight là chuyên gia cố vấn nổi tiếng thế giới về phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế công và tư nhân. Ông là thành viên của Ủy ban Phát triển bền vững Anh và giữ nhiều danh hiệu quan trọng như giảng viên cao cấp chương trình Kỹ năng lãnh đạo bền vững trong công nghiệp của Trường đại học Cambridge, học giả của Quỹ Thiên nhiên hoang dã Anh (WWF UK), giám đốc Hội đồng kiểm lâm Anh. Giáo sư Alan nổi tiếng với các khái niệm như “nếu các sản phẩm biết nói” hay “những phong cách sống bền vững”. Ông giải thích: “Khi nói chuyện với các công ty, tôi thường đề nghị họ hình dung sản phẩm của mình sẽ nói gì nếu chúng biết nói. Nếu bàn đá này nói được, nó sẽ giải thích ai đã khai thác đá granite từ những vách núi cao, làm việc có an toàn không, họ có được trả lương xứng đáng, việc khai thác có ảnh hưởng xấu đến môi trường không. Quan điểm của tôi là cố gắng làm tốt từng chút một, thay vì tự thả lỏng bản thân vì cho rằng các sản phẩm đâu có biết nói và vì thế chúng sẽ giữ bí mật cho chúng ta”. “Lý do tôi nghĩ VN là nơi thú vị cho những người nghiên cứu như tôi vì các bạn còn rất nhiều rừng tự nhiên, đất nông nghiệp mặc dù chúng đều đang chịu sức ép. Lời khuyên của tôi là đừng chuyển đổi các tài nguyên thiên nhiên đó sang công nghệ và kinh tế. Vì cái chúng ta cần sau 30 năm nữa không phải là các sân golf mà là rừng tự nhiên, các rạn san hô...”. |
HƯƠNG GIANG